Ngọc Khôi - Cột Đèn Chiếu Sáng - Cột Đèn Sân Vườn

https://cotdenchieusang.vn:443


Đã có lời giải cho bài toán quản lý chiếu sáng đô thị

Đã có lời giải cho bài toán quản lý chiếu sáng đô thị

Vấn đề quy hoạch chiếu sáng (QHCS) tại các đô thị lớn hiện vẫn còn không ít bất cập. Để khắc phục tình trạng này, Bộ Xây dựng đã ban hành Quy chuẩn Kỹ thuật Quốc gia QCVN 07-7:2016/BXD thay thế Chương 7 trong Quy chuẩn QCVN 07:2010/BXD “Các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị” được ban hành theo Thông tư số 02/TT-BXD ngày 05/02/2010.


Chiếu sáng đô thị không chỉ hạn chế ở chức năng đảm bảo an toàn giao thông mà còn góp phần cải thiện hình ảnh đô thị vào ban đêm

Theo đó, Quy chuẩn Kỹ thuật Quốc gia QCVN 07-7:2016/BXD “Các công trình hạ tầng kỹ thuật - Công trình chiếu sáng” do Hội Môi trường xây dựng Việt Nam soạn thảo,Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường trình duyệt, Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định, Bộ Xây dựng ban hành theo Thông tư số 01/2016/TT-BXD ngày 01/02/2016.

Theo Quy chuẩn, công trình chiếu sáng đô thị phải phù hợp với quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, thiết kế đô thị được phê duyệt; đảm bảo an toàn cho quá trình tham gia giao thông, an ninh, an toàn trong đô thị; thuận tiện và an toàn trong quản lý, vận hành hệ thống công trình chiếu sáng; sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Chiếu sáng đường, phố phải đủ ánh sáng

Chiếu sáng đường, phố phải bảo đảm làm lộ rõ tất cả các đặc điểm của đường và của dòng giao thông, giúp người điều khiển phương tiện giao thông tiếp nhận đầy đủ thông tin từ các quang cảnh luôn thay đổi phía trước để có thể điều khiển phương tiện giao thông an toàn với tốc độ hợp lý cho phép. Hệ thống chiếu sáng ngoài việc đảm bảo đủ ánh sáng theo quy định phải tạo được tính định hướng giúp người điều khiển phương tiện giao thông nhận biết rõ ràng hướng tuyến.

Chiếu sáng đường, phố phải tạo được độ chói cần thiết để mắt nhận biết được các chi tiết nhỏ, ở độ tương phản thấp với tốc độ cao, tương ứng với tình huống giao thông; độ chói phải đồng đều trên mặt đường theo cả phương dọc và phương ngang, hạn chế sự xuất hiện các khoảng tối, nơi có thể che dấu các mối nguy hiểm và không gây loá mắt người điều khiển phương tiện giao thông.

Chiếu sáng cho cầu, đường trên cao và hầm tránh gây loá

Chiếu sáng cho các cầu và đường trên cao phải tương đồng với chiếu sáng của phần đường nối tiếp với cầu. Nếu mặt cầu và đường trên cao nhỏ hơn mặt đường tiếp giáp thì độ rọi đứng tối thiểu tại lan can cầu và dải phân cách là 15 lx; tại lối lên và xuống phải bố trí đèn. Chỉ dùng đèn chiếu sáng loại được che hoàn toàn để tránh gây loá cho người đi ở phía dưới.

Đối với chiếu sáng bên trong đường hầm cần được tính toán tuân thủ tiêu chuẩn CIE 88:2004. Dọc theo lối vào, vùng cửa hầm, vùng chuyển tiếp, vùng trong hầm, vùng cuối đường hầm và lối ra phải đảm bảo yêu cầu độ chói không thay đổi đột ngột.

Độ chói của tường đường hầm tính từ mặt đường đến độ cao 2 m phải đạt tối thiểu bằng 60 % độ chói trung bình của mặt đường tại mỗi vị trí đường hầm. Phải có hệ thống chiếu sáng dự phòng trong hầm. Độ rọi trung bình tối thiểu của hệ thống chiếu sáng dự phòng phải đạt 10 lx, và độ rọi tại một điểm bất kỳ trong đường hầm phải đạt tối thiểu 2 lx.

Sử dụng năng lượng có hiệu quả

Các đèn chiếu sáng phải có hiệu suất phát sáng cao, được dán nhãn tiết kiệm năng lượng; ưu tiên áp dụng các thiết bị chiếu sáng sử dụng năng lượng mặt trời, gió. Cần có các thiết bị điều khiển tự động hệ thống chiếu sáng đường giao thông cho xe có động cơ để giảm bớt tiêu thụ năng lượng.

Để sử dụng năng lượng hiệu quả, các thiết bị chiếu sáng cần tuân thủ các quy định: Các bộ đèn phải có bảng dữ liệu về phân bổ cường độ sáng trong không gian để làm cơ sở tính toán chiếu sáng, bảo đảm các kết quả tính toán chiếu sáng có độ tin cậy cao để có thể xác định hiệu quả sử dụng; nhiệt độ màu, trừ những hạng mục chiếu sáng tô điểm mỹ thuật trang trí, các công trình chiếu sáng đường phố ưu tiên sử dụng những bóng đèn có nhiệt độ màu lớn hơn 2.000K;

Ngoài ra, công trình và hạng mục công trình chiếu sáng phải được định kỳ bảo trì, bảo dưỡng trong suốt thời hạn sử dụng nhằm đảm bảo chức năng sử dụng theo thiết kế. Khi hết thời hạn sử dụng (tuổi thọ) công trình và hạng mục công trình, cần phải tiến hành sửa chữa lớn nhằm kéo dài tuổi thọ của chúng.