Quy hoạch cho Hồ Gươm cần bao nhiêu cột đèn chiếu sáng
- Thứ ba - 11/04/2017 04:18
- In ra
- Đóng cửa sổ này
"Nằm trong không gian không lớn lắm như hồ Hoàn Kiếm thì cái gì cần, cái gì không, bao nhiêu tượng đài là đủ cũng như bao nhiêu mét vỉa hè, bao nhiêu cột đèn chiếu sáng là phù hợp? Tất cả phải quy hoạch".
Đây là ý kiến của nhà sử học Dương Trung Quốc xung quanh câu chuyện một công dân mới trình UBND TP Hà Nội đề án đúc tượng rùa vàng tại hồ Hoàn Kiếm. Theo ông Quốc thì qua đây cũng nhắc nhở cho Hà Nội quy hoạch hạ tầng nhưng cũng đừng quên quy hoạch không gian văn hóa.
Ông Dương Trung Quốc: Cần quy hoạch cho Hồ Gươm! - 1
Nhà sử học Dương Trung Quốc
Ngày 28/3, công dân Tạ Hồng Quân, cho biết đã trình UBND TP Hà Nội đề án đúc tượng rùa vàng tại Hồ Hoàn Kiếm. Theo đó, tượng rùa vàng sẽ được thực hiện bằng chất liệu đồng nguyên chất và vàng, dài 2,5 mét, cao 3,5 mét và có trọng lượng khoảng 6-10 tấn đồng.
Trao đổi với PV Infonet về câu chuyện này, nhà sử học Dương Trung Quốc cho biết, ý tưởng của anh Tạ Hồng Quân làm bức tượng nặng 10 tấn hình tượng thần Kim quy (rùa vàng) từ cách đây gần 10 năm khi chuẩn bị 1.000 năm Thăng Long. Lúc đó có rất nhiều sáng kiến đóng góp cho sự kiện kỷ niệm đại lễ đó.
“Anh Tạ Hồng Quân có nêu ý tưởng làm thượng thần Kim Quy trong không gian hồ Hoàn Kiếm. Lúc đó, chưa nói cụ thể rùa làm bằng gì, đặt ở đâu, hình tượng như thế nào, chất lượng ra sao mà mới chỉ là ý tưởng thế thôi. Lúc đó nhận được sự đồng thuận rất nhiều trong đó có tôi, giáo sư Vũ Khiêu và thầy Phan Huy Lê. Việc đưa biểu tượng một linh vật rùa trong không gian này là thích hợp”- nhà sử học Dương Trung Quốc nhấn mạnh.
Tuy nhiên, sau gần 10 năm, theo nhà sử học Dương Trung Quốc thì cho đến thời điểm hiện tại đưa ra bức tượng to như thế lại được hiểu lầm bằng vàng “tôi cho rằng không phù hợp” ở cả hai phương diện.
“Thứ 1, thời điểm này kinh tế của chúng ta đang khó khăn, dù xã hội hóa hay cái gì chăng nữa thì làm việc nào cũng phải thiết thực. Cho nên lúc này đúc một tượng 10 tấn dẫu bằng gì thì cũng nên cân nhắc, nếu là bẳng vàng thì chắc chẳng bao giờ có được.
Thứ 2, thời điểm này TP Hà Nội đang chỉnh trang lại khu vực hồ Hoàn Kiếm với mong muốn tích cực là làm cho nó phát huy hơn nữa giá trị trung tâm. Chính tôi nằm trong quá trình tham gia thẩm định một số dự án đang triển khai. Mọi người đều nhất trí rằng là cần phải làm cho hàm lượng văn hóa ở không gian này cao hơn, môi trường sinh thái tốt hơn, đương nhiên hạ tầng dịch vụ phải phù hợp với quy mô phát triển”- nhà sử học Dương Trung Quốc nhấn mạnh.
Làm ra, dựng lên đã khó nhưng nhấc đi còn khó hơn nhiều lần
Do đó, theo ông Quốc thì lúc này câu trả lời tiếp nhận hay không tiếp nhận là rất khó bởi vì “chúng ta chưa có quy hoạch”.
“Nằm trong không gian không lớn lắm như hồ Hoàn Kiếm thì cái gì cần, cái gì không, bao nhiêu tượng đài là đủ cũng như bao nhiêu mét vỉa hè, bao nhiêu cột đèn chiếu sáng là phù hợp? Tất cả phải quy hoạch. Cho nên tôi cho rằng đây cũng là một nhắc nhở cho Hà Nội quy hoạch hạ tầng nhưng cũng đừng quên quy hoạch không gian văn hóa”- nhà sử học Dương Trung Quốc nói.
Theo ông Quốc thì chúng ta trân trọng ý kiến của người dân đưa ra những ý kiến khác nhau nhưng ý kiến đó phải khớp với quy hoạch. Chứ không phải sáng kiến đó chỉ vì lòng nhiệt thành mà đưa vào đó nhất là trong một không gian có tính chất tâm linh như thế.
“Một tượng đài hay một linh vật càng thận trọng. Bởi vì làm ra đã khó, dựng lên đã khó nhưng nhấc đi còn khó hơn rất nhiều. Câu chuyện liên quan đến tượng đài quyết tử vẫn còn nguyên giá trị khi chúng ta đã làm một tượng đài khác rất đẹp để thay thế, dựng ở bốt Hàng Đậu nhưng đến giờ chưa ai dám chuyển tượng đài Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh ra khỏi vị trí cũ” – nhà sử học Dương Trung Quốc nói.
Qua việc này, ông Quốc cho rằng, nhà quản lý phải đưa ra được một quy hoạch để khi người dân có một sáng kiến gì “anh có thể phản biện ngay nhận hay không nhận, có ích hay không có ích?”. Tiếp đến, người dân cũng cũng nhìn vấn đề thực tế để tránh đưa ra những ý tưởng không phù hợp.
Theo Nam Huyền (Infonet)